Kim cương là một trong những hiện vật quý giá và đẳng cấp nhất trên hành tinh, được mệnh danh “vua của mọi loại đá quý”. Với vẻ đẹp tuyệt đỉnh và khả năng phản chiếu ánh sáng vô cùng tinh tế, kim cương không chỉ là một viên đá quý mà còn là biểu tượng của sự hoàn hảo và sự giàu có. Vậy cụ thể kim cương là gì? Kim cương có mấy loại? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu thông tin chi tiết về kim cương nhé!
Tìm hiểu kim cương là gì?
Giữa vô vàn loại đá quý lấp lánh, kim cương vẫn luôn được biết đến với tên gọi kiêu hãnh ”Vua của các loại đá quý”, thuộc nhóm ”Ngũ hoàng nhất hậu” gồm những loại đá quý hiếm và giá trị nhất trên thế giới. Tên gọi của kim cương được bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp Adamas, nghĩa là không thể phá hủy.
Vậy kim cương làm bằng gì, kim cương hình thành từ đâu? Từ những nơi sâu thẳm của Trái Đất, dưới nhiệt độ và áp suất khắc nghiệt, các tinh thể Carbon với cấu trúc phân tử đặc biệt đã hình thành nên những khối kim cương long lanh nhất, tinh khiết nhất. Không phải tự nhiên mà câu nói truyền cảm hứng: ”Áp lực sẽ tạo nên kim cương” lại được ưu ái dành riêng cho loại đá này.
Quá trình khai thác kim cương cũng hết sức phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao. Để khai thác được 1 carat kim cương (tương đương 0,2g), những người thợ phải đào 250 tấn đất đá ở độ sâu 150km dưới mặt đất.
Vậy nên chỉ có một số ít đơn vị uy tín trên thế giới được cấp phép khai khoáng kim cương thô và phân phối ra thị trường để đảm bảo chất lượng kim cương cũng như không gây tổn hại đến môi trường tự nhiên. Chính vì vậy, những tinh thể này mang vẻ đẹp của sức lao động miệt mài và kì công.
Đặc điểm của kim cương
Kim cương dù ở dạng thức thô hay đã qua tạo tác tỉ mỉ cũng sở hữu những tính chất riêng đặc biệt, lý giải cho vị trí đầy kiêu hãnh của nó trong thế giới đá quý muôn hình vạn trạng.
Độ cứng
Kim cương là vật chất thể rắn cứng nhất được tìm thấy trong tự nhiên, đạt điểm tối đa 10/10 trên thang đo độ cứng Mohs. Bên cạnh việc chế tác trang sức, kim cương cũng được ứng dụng làm lưỡi cắt chuyên dùng trong công nghiệp.
Một số loại kim cương ở New England, Úc thậm chí còn được dùng để đánh bóng những viên kim cương khác. Với độ cứng và độ bền hoàn hảo, những món trang sức kim cương mang giá trị sử dụng cao, có thể đồng hành cùng chủ nhân lâu dài mà vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp vốn có.
Khả năng khúc xạ ánh sáng
Vẻ đẹp bắt mắt, thu hút mọi ánh nhìn của kim cương được giải mã bằng khả năng khúc xạ ánh sáng tuyệt vời của nó. Khi chiếu sáng vào viên kim cương, ánh sáng sẽ không bị hấp thụ hoàn toàn mà phản chiếu ra xung quanh từ bề mặt của nó, tạo nên những tia lấp lánh ở mặt ngoài.
Phần còn lại của ánh sáng đi xuyên vào trong viên kim cương, phản chiếu xen kẽ giữa những giác cắt tinh tế, biến viên kim cương thành một khối đá tỏa sáng từ trong ra ngoài. Những tia sáng này một lần nữa chiếu ngược lại lên bề mặt, đổi hướng và khuếch tán thành các dải màu sắc rực rỡ như cầu vồng, thuật ngữ chuyên môn gọi là ánh lửa của kim cương.
Tổng thể tạo nên một hiệu ứng thị giác đặc biệt, khiến bất cứ ai khi chiêm ngưỡng cũng không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp huyền ảo, gợi liên tưởng đến những gì tinh túy và thuần khiết nhất.
Màu sắc
Hãy tưởng tượng hiện tượng bắt sáng lấp lánh này được quan sát trên một viên kim cương màu đỏ quyền lực. Dưới những điều kiện địa chất hiếm gặp, bên cạnh nước màu trong suốt nổi tiếng, kim cương có thể mang những màu sắc đa dạng khác như đen, đỏ, hồng, vàng, xanh dương, xanh lục, nâu,….
Ngược lại với kim cương trong suốt, những viên kim cương màu càng mang màu sắc đậm, nổi bật lại càng quý hiếm và có giá càng cao, thường được gắn liền với hình ảnh của Hoàng tộc và những siêu sao nổi tiếng trên thế giới. Loại đá đặc biệt này mang giá trị tinh thần và ý nghĩa phong thuỷ đặc biệt với người châu Á, đặc biệt là người Việt Nam vì mỗi màu sắc lại tương ứng với một nguyên tố theo triết lý ngũ hành tương sinh của văn hoá Á Đông.
Kim cương có mấy loại?
- Round Brilliant: Hình tròn là loại hình dạng phổ biến nhất trong các sản phẩm kim cương. Trong gần 100 năm, các máy cắt kim cương đã sử dụng các lý thuyết tiên tiến về hành vi ánh sáng và các phép tính toán học chính xác để tối ưu hóa lửa và độ sáng trong một viên kim cương tròn. Những viên đá tròn thường sẽ mang lại cho bạn sự linh hoạt hơn trong việc cân bằng các cấp độ cắt, màu sắc và độ tinh khiết trong khi vẫn có được độ lấp lánh như mong muốn.
- Princess: Giác cắt mài hình vuông sắc nhọn ở bốn cạnh. Vẻ đẹp rực rỡ và đường cắt độc đáo của nó khiến nó trở thành ứng viên sáng giá cho một chiếc nhẫn đính hôn tuyệt vời. Princess Cut cũng có xu hướng hiển thị màu sắc nhẹ ở các góc của nó, vì vậy đối với loại kim cương hình vuông princess cut các bạn nên dành thêm ngân sách cho loại màu (Color) cao hơn G, điều này sẽ giúp viên đá Princess Cut của bạn trông lung linh hơn.
- Oval: Một viên kim cương hình bầu dục có độ sáng đẹp tương tự như một viên kim cương tròn. Đá quý hình bầu dục cũng rất phổ biến vì chiều dài của đá có thể làm nổi bật những ngón tay thon dài.
- Radiant: Khối cắt chữ nhật hoặc vuông. Các góc được cắt tỉa là đặc điểm nổi bật của viên kim cương này, và chúng giúp làm cho hình dạng rạng rỡ trở thành lựa chọn phổ biến và linh hoạt cho đồ trang sức. Hình dạng này trông đẹp không kém khi được đính kèm với những viên kim cương hình baguette hoặc tròn.
- Pear: Đây là viên đá có đường cắt rực rỡ này còn được gọi là hình giọt nước vì vẻ bề ngoài giống giọt nước của vết cắt này. Vẻ ngoài độc đáo của hình quả lê giúp nó trở thành một lựa chọn phổ biến cho nhiều loại trang sức kim cương. Nếu bạn chọn dáng quả lê thon dài, độ dài của viên đá quý này sẽ tạo hiệu ứng thon gọn tinh tế cho các ngón tay.
- Heart: Trái tim là biểu tượng của tình yêu. Vẻ ngoài độc đáo của viên kim cương hình trái tim giúp nó trở thành sự lựa chọn đặc biệt cho nhiều loại trang sức đá quý. Giống như Princess Cut, hình dạng kim cương trái tim này có xu hướng hiển thị màu sắc nhẹ ở các đầu điểm cắt của viên đá hiếm, vì vậy bạn nên dành ngân sách cho loại màu cao hơn mức bạn cần so với khi mua một viên kim cương tròn.
- Cushion: Hình dạng độc đáo này đã được phổ biến trong hơn một thế kỷ. Kim cương cắt đệm (còn được gọi là cắt gối) có các góc tròn và các mặt lớn hơn để tăng độ sáng của chúng. Những mặt lớn hơn này có thể hiển thị tạp chất dễ dàng hơn so với một số hình dạng khác, vì vậy nếu bạn chọn loại có độ trong thấp hơn, hãy nhớ xem lại biểu đồ độ trong trên giấy chứng nhận kim cương. Những viên đá quý hình đệm có nhiều hình dạng khác nhau, từ hình vuông đến hình chữ nhật.
- Emerald: Điều làm cho viên kim cương hình dạng ngọc lục bảo trở nên khác biệt là cách cắt xếp tầng tạo khối của đá, các viên đá quý dạng này được cắt bằng các mặt hình chữ nhật để tạo ra một diện mạo quang học độc đáo. Do có mặt bàn (table) lớn và phần thân kim cương cắt theo từng bậc, giúp làm nổi bật độ trong của viên đá quý nà7y.
- Ngoài ra các hình dạng cũng khá phổ biến khi sử dụng làm nữ trang gồm Baguette, Triangular Brilliant, Marquise, Asscher.
Quá trình hình thành nên kim cương
Kim cương không có nguồn gốc từ bề mặt Trái đất. Thay vào đó đá hình thành ở nhiệt độ cao và áp lực xảy ra trong lớp vỏ Trái Đất khoảng 100 dặm bên dưới bề mặt của Trái đất.
Hầu hết những viên đá được phát hiện đã được chuyển đến bề mặt Trái đất do các vụ phun trào núi lửa từ sâu trong lòng đất. Những vụ phun trào này bắt đầu trong lớp phủ vỏ trái đất (mantle), và trên đường đi lên, tác động đã làm xé ra những mảnh đá lớp phủ đưa những viên kim cương lên bè.
Những khối này từ lớp phủ được gọi là xenoliths. Lớp phủ này sẽ chứa những viên đá hiếm được hình thành ở điều kiện nhiệt độ và áp suất cao của lớp phủ.
Người ta tìm kiếm loại đá quý hiếm này bằng cách khai thác đá có chứa xenoliths hoặc bằng cách khai thác đất và trầm tích hình thành khi đá chứa kim cương cuốn trôi lên bề mặt trong quá trình lớp vỏ trái đất thay đổi theo thời gian.
Một số viên đá hiếm được cho là hình thành trong điều kiện nhiệt độ / áp suất cao của vùng hút chìm hoặc vị trí va chạm của tiểu lục địa. Một số được chuyển đến Trái đất trong các thiên thạch . Tuy nhiên, cho đến hiện nay không có mỏ kim cương thương mại nào được phát triển có nguồn gốc này.
Lịch sử phát hiện và khai thác kim cương của con người
Những viên kim cương sớm nhất được tìm thấy ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, mặc dù viên đá trẻ nhất trong số này được hình thành cách đây 900 triệu năm.
Phần lớn những viên đá ban đầu này được vận chuyển dọc theo mạng lưới các tuyến đường thương mại kết nối Ấn Độ và Trung Quốc, thường được gọi là Con đường Tơ lụa. Vào thời điểm được phát hiện, loại đá này được đánh giá cao vì độ cứng và độ sáng của chúng, cũng như khả năng khúc xạ ánh sáng và khắc kim loại.
Kim cương được dùng làm đồ trang sức, dùng làm công cụ cắt, dùng như một lá bùa hộ mệnh để xua đuổi ma quỷ và được cho là có tác dụng bảo vệ trong trận chiến. Trong Thời kỳ Hắc ám, loại đá này cũng được sử dụng như một loại thuốc hỗ trợ y tế và được cho là có thể chữa bệnh và chữa lành vết thương khi ăn phải.
Cho đến thế kỷ 18, Ấn Độ được cho là nguồn duy nhất của kim cương. Khi các mỏ đá quý này ở Ấn Độ cạn kiệt, công cuộc tìm kiếm các nguồn thay thế bắt đầu. Mặc dù mỏ quặng nhỏ đã được tìm thấy ở Brazil vào năm 1725, nhưng nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu của thế giới.
Năm 1866, cậu bé 15 tuổi Erasmus Jacobs đang khám phá bờ sông Orange thì bắt gặp thứ mà cậu nghĩ là một viên sỏi bình thường, nhưng hóa ra lại là một viên kim cương 21,25 carat. Năm 1871, một viên kim cương khổng lồ nặng 83,50 carat được khai quật trên một ngọn đồi nông có tên là Colesberg Kopje.
Những phát hiện này đã khiến hàng nghìn người tìm kiếm kim cương đổ xô đến khu vực và dẫn đến việc khai trương hoạt động khai thác quy mô lớn đầu tiên được gọi là Mỏ Kimberly.
Nguồn đá hiếm mới được phát hiện này đã làm tăng đáng kể nguồn cung kim cương trên thế giới, dẫn đến giá trị của chúng giảm đáng kể. Giới thượng lưu không còn coi loại đá này là một thứ quý hiếm nữa, và bắt đầu thay thế loại đá “thông thường” này bằng các loại đá quý có màu. Ngọc lục bảo, hồng ngọc và ngọc bích trở thành những lựa chọn phổ biến hơn để làm đá nhẫn đính hôn trong giới thượng lưu.
Năm 1880, Cecil John Rhodes, người Anh, thành lập Công ty TNHH Mỏ hợp nhất De Beers với nỗ lực kiểm soát nguồn cung loại đá hiếm này. Mặc dù DeBeers đã thành công trong nỗ lực kiểm soát nguồn cung kim cương, nhưng nhu cầu về loại đá này rất yếu. Đến năm 1919, loại đá hiếm này bị mất giá gần 50%.
Tại sao nhiều người lại khao khát được sở hữu kim cương?
Giá trị về mặt thẩm mỹ
Trang sức kim cương đã trở thành tuyên ngôn của cái đẹp và sự thanh cao. Huyền thoại Hollywood Marilyn Monroe từng nói: ”Diamonds are a girl's best friend” – ”Kim cương là người bạn thân thiết nhất của một cô gái”.
Với phái đẹp, việc sở hữu một viên kim cương giống như tấm vé thông hành để cô ấy kết nối với tính nữ, với phiên bản xinh đẹp, hoàn hảo và tỏa sáng nhất của chính bản thân mình. Một cô gái sẽ trở nên đẹp nhất khi cô ấy tự tin, và cô ấy sẽ chỉ tự tin khi cô ấy hiểu rõ mình xứng đáng với những điều giá trị nhất.
Ngành trang sức kim cương trong những năm trở lại đây đã biến việc này trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, với những mẫu thiết kế tinh tế, đa dạng từ tối giản, thanh thoát đến công phu, cầu kì, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu, phù hợp mọi sở thích và phong cách của một nửa thế giới.
Giá trị về mặt tinh thần và phòng thủy
Không chỉ phù hợp với chị em phụ nữ, kim cương cũng là món trang sức hoàn hảo với cánh đàn ông hay bất cứ ai muốn thể hiện một cái tôi cá nhân đầy tinh tế không thể trộn lẫn. Kim cương được xem là biểu tượng của sự cao quý, giàu sang và quyền lực.
Về mặt phong thuỷ, các loại đá quý luôn sở hữu một nguồn năng lượng cao, có tác dụng hỗ trợ và đem lại may mắn cho người sử dụng. Kim cương đặc biệt được ưa thích bởi nó mang đến những điều tốt đẹp, hanh thông thuận lợi trong cả kinh doanh và cuộc sống.
Đối với các cặp đôi, nhẫn kim cương là lời khẳng định chắc chắn, mạnh mẽ nhất cho tình cảm gắn bó giữa hai người. Bắt nguồn từ việc hoàng tử nước Áo Maxmillian tặng nhẫn kim cương cho công chúa nước bên để cầu hôn vào năm 1477, nhẫn kim cương đã trở thành cảm hứng cho biết bao câu chuyện tình yêu ngọt ngào, là biểu tượng tình yêu bất diệt, vĩnh cửu, không bao giờ thay đổi dưới muôn vàn thử thách và sóng gió của thời gian.
Tình yêu, hạnh phúc và sự may mắn là những điều đẹp đẽ, đáng khao khát với cuộc sống của bất cứ ai. Việc có bên mình một chiếc nhẫn nhẫn kim cương chính là điểm sáng, điểm nhấn thu hút những gì tốt đẹp, cao quý và thiêng liêng nhất, những điều tạo nên giá trị và ý nghĩa cho cuộc đời.
Một người biết trân trọng, thưởng thức cuộc sống, biết yêu thương và mang lại hạnh phúc cho chính mình là người biết cách chăm chút cho bản thân từ những chi tiết nhỏ nhất với yêu cầu cao nhất.
Một món trang sức kim cương tự nhiên, phù hợp với phong cách không chỉ là phụ kiện đơn thuần, mà chính là tuyên ngôn về đẳng cấp bắt nguồn từ những gì thực chất mà có sức thuyết phục nhất. Vì vậy, câu hỏi đặt ra không phải là kim cương hợp mệnh gì, mà là nên sở hữu bao nhiêu kim cương là đủ.
Giá trị sử dụng
Những viên kim cương nổi tiếng trên thế giới dù đã trải qua rất nhiều năm sử dụng thì vẫn giữ nguyên vẻ đẹp của nó, do kim cương là loại đá quý rất bền, ít chịu sự tác động của thời gian. Một viên kim cương tốt sẽ đồng hành cùng bạn qua năm tháng mà không phải lo lắng về nguy cơ bị xỉn màu, xước, biến dạng giống như một số loại đá quý khác.
Hơn nữa, kim cương cũng là một hình thức đầu tư xứng đáng bởi nó có xu hướng giữ giá tốt trong lạm phát. Trong tương lai, khi nguồn cung của kim cương tự nhiên giảm dần trong khi chất lượng cuộc sống và nhu cầu hưởng thụ của con người ngày càng tăng lên, một viên kim cương có thể sẽ tăng gấp nhiều lần giá trị so với thời điểm hiện tại bạn đang sở hữu nó.
Phương pháp định giá kim cương từ chuyên gia
Với chuyên gia và giới mộ điệu những người yêu kim cương, tiêu chuẩn 4C là thuật ngữ căn bản và quen thuộc. Đây là khung tiêu chí đánh giá chất lượng kim cương của GIA – Viện Đá quý Hoa Kỳ, bao gồm 4 yếu tố không thể thiếu đối với bất cứ hoạt động trao đổi, giao dịch kim cương nào. Cụ thể như sau:
Color – Màu sắc
Hay còn gọi là nước màu của kim cương, được kí hiệu theo chữ cái từ D đến Z. Màu D là nước màu cao cấp nhất, trong suốt không pha lẫn các ánh màu khác, giảm dần xuống nước màu Z hơi ngả vàng hoặc nâu nhẹ. Những viên kim cương có nước màu càng trong thì càng quý hiếm và có giá trị cao.
Clarity- Độ tinh khiết
Biểu thị độ trong, sạch, không lẫn các bao chất bên trong và khiếm khuyết bên ngoài bề mặt kim cương. Kim cương FL có độ tinh khiết hoàn mỹ tuyệt đối, chỉ chiếm 1% tổng lượng kim cương trên thế giới, ở các cấp độ thấp và phổ biến hơn lần lượt có VS, VVS, SI và I.
Cut – Dạng cắt
Chất lượng của viên kim cương được quyết định bởi cách viên kim cương đó tương tác với ánh sáng từ môi trường bên ngoài. Sự hài hòa trong kết cấu, cân đối về tỉ lệ giác cắt ảnh hưởng trực tiếp đến độ sáng, độ khúc xạ và ánh lửa của viên kim cương. Tuỳ vào tay nghề và công nghệ chế tác khác nhau sẽ cho ra đời các viên kim cương tương ứng với 5 cấp độ chất lượng cắt: cấp thô sơ nhất là Poor và lý tưởng nhất là Excellent.
Carat – Trọng lượng
Đơn vị đo trọng lượng tiêu chuẩn của đá quý. Viên kim cương 1 carat thông thường có kích thước trung bình là 6,5 mm hay 6,5 ly, giúp người mua dễ dàng tưởng tượng kích thước của viên kim cương. Khối lượng carat tỉ lệ thuận với giá trị và độ quý hiếm của kim cương.
Tổng kết
Hy vọng các bạn có thêm nhiều góc nhìn và kiến thức về loại đá này, đặc biệt hiểu rõ Kim Cương là gì và các tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá kim cương cũng như sơ lược về loại đá lấp lánh nhiều ma lực này.