Có lẽ, lãi suất là một thuậ ngữ đã quá quen thuộc đối với nhiều người và nó xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, mạng internet. Do đó, thông tin về lãi suất luôn được rất nhiều người quan tâm, theo dõi sát sao. Vậy lãi suất là gì? Hiện nay có bao nhiêu loại lãi suất? Nó có vai trò gì trong nền kinh tế? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp tất cả những thắc mắc liên quan đến khái niệm này.
Tìm hiểu lãi suất là gì?
Lãi suất là mức tỷ lệ mà người vay tiền phải trả để sử dụng một đơn vị vốn vay trong một khoảng thời gian xác định (thông thường sẽ là 1 tháng hoặc 1 năm). Đây là một loại giá cả đặc biệt được xác định dựa trên giá trị sử dụng. Người đi vay ở đây có thể là cá nhân hoặc pháp nhân (doanh nghiệp, tổ chức, ngân hàng…)
Lãi suất được biểu thị dưới dạng tỷ lệ phần trăm và đồng thời cũng được xem là tỷ lệ sinh lời mà người chủ sở hữu nhận được từ khoản vốn cho vay. Hoạt động gửi tiền vào ngân hàng/tổ chức tín dụng của người dân để hưởng lãi suất tiền gửi chính là một hình thức người gửi tiền cho các ngân hàng/tổ chức tín dụng vay tiền, sử dụng vốn của mình.
Lãi (hay còn gọi là tiền lãi hoặc tiền lời) là số tuyệt đối thể hiện phần giá trị lớn hơn, thu được từ việc cho vay hoặc đầu tư so với số vốn gốc bỏ ra ban đầu.
Ví dụ: Khách hàng gửi 100 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng Quốc Tế Việt Nam (VIB) với kỳ hạn 12 tháng và lãi suất 8,2%/năm. Sau khi kỳ hạn gửi kết thúc, khách hàng sẽ nhận được thêm số tiền lãi bằng 8,2% của số tiền đã gửi là 8.200.000 đồng.
Hiện nay có những loại lãi suất nào phổ biến?
Lãi suất có nhiều cách để phân loại, sau đây là một số căn cứ phổ biến:
Phân loại dựa vào giá trị thực thu được
Dựa vào căn cứ này thì lãi suất được chia làm 2 loại: lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực
- Lãi suất danh nghĩa: là loại lãi suất được sử dụng để biểu thị sự gia tăng của tiền sau một khoảng thời gian cụ thể, thường là một năm. Tuy nhiên, số tiền này được tính dựa trên giá trị lý thuyết mà chưa tính đến tác động của lạm phát.
- Lãi suất thực: là loại lãi suất đã tính toán đến tác động của lạm phát. Lãi suất thực chính là kết quả hiệu số giữa lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát dự kiến.
Lãi suất danh nghĩa thường được ghi rõ trong các hợp đồng hay các giao dịch tài chính. Khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng, lãi suất danh nghĩa sẽ được hiển thị rõ ràng trên sổ tiết kiệm hoặc trên tài khoản tiết kiệm trực tuyến của bạn
Lãi suất thực tuy không được thể hiện trong hợp đồng hay các giao dịch tài chính, nhưng lại là chỉ số quan trọng được người cho vay hay các nhà đầu tư quan tâm khi đưa ra các quyết định tài chính.
Phân loại theo tính chất của khoản tiền vay
Theo căn cứ này, lãi suất sẽ được chia thành 6 loại:
- Lãi suất tiền gửi ngân hàng: là lãi suất mà các ngân hàng/tổ chức tín dụng trả cho các khoản tiền gửi của bạn khi bạn gửi tiền vào các ngân hàng/tổ chức tín dụng
- Lãi suất cho vay (hay lãi suất tín dụng ngân hàng): là lãi suất mà bạn (người đi vay) phải trả cho ngân hàng/tổ chức tín dụng (người cho vay) khi ký hợp đồng vay tiền
- Lãi suất cơ sở (hay lãi suất cơ bản): là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố và chỉ áp dụng với đồng nội tệ. Đây là lãi suất các ngân hàng/ tổ chức tín dụng dùng để tham chiếu và xác định lãi suất kinh doanh.
- Lãi suất liên ngân hàng: là lãi suất mà các ngân hàng áp dụng để cho vay lẫn nhau thông qua thị trường liên ngân hàng. Lãi suất liên ngân hàng sẽ do Ngân hàng Nhà nước công bố và thay đổi để phù hợp với tình hình chung.
- Lãi suất chiết khấu: là mức lãi suất mà Ngân hàng Trung Ương (NHTW) áp dụng cho các khoản vay của các ngân hàng thương mại (NHTM), nhằm giúp họ đáp ứng nhu cầu dòng tiền ngắn hạn hay các tình huống bất thường.
- Lãi suất tái chiết khấu: là mức lãi suất do NHNN quy định, được áp dụng lên số tiền ghi trên các thương phiếu hoặc giấy tờ có giá trị (ví dụ như: Hối phiếu, lệnh phiếu, trái phiếu…) trước khi đến hạn thanh toán.
Phân loại dựa vào tính linh hoạt
- Lãi suất cố định: là mức lãi suất mà ngân hàng hoặc tổ chức tài chính đồng ý với khách hàng và duy trì không thay đổi trong suốt thời gian vay và được quy định trong hợp đồng tín dụng. Lãi suất cố định không bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường, người đi vay có thể xác định trước được tiền lãi phải trả trong suốt thời gian vay.
- Lãi suất thả nổi: ngược lại với lãi suất cố định, lãi suất thả nổi là lãi suất thay đổi theo từng thời kỳ, biến động theo thị trường.
Phân loại theo cách tính lãi suất
Căn cứ vào cách tính, lãi suất có 2 loại như sau:
- Lãi suất đơn: Loại lãi suất này được tính theo số vốn ban đầu trong suốt thời hạn vay. Theo đó, thời hạn vay càng dài thì mức lãi suất đơn càng tăng.
- Lãi suất kép: Đây là lãi suất được tính bằng cách lấy giá trị đầu tư của tiền gốc ban đầu cộng với tiền lãi tích lũy trong các kỳ vay.
Vai trò của lãi suất đối với nền kinh tế
Lãi suất có vai trò và ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Lãi suất hợp lý sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa và ngược lại.
Đối với người đi vay, lãi suất chính là chi phí sẽ làm giảm lợi nhuận của họ. Ngược lại, đối với người cho vay, lãi suất chính là thu nhập. Vì vậy, lãi suất là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của các chủ thể kinh tế. Đảm bảo mức lãi suất cân bằng để người cho vay sẵn sàng cung ứng vốn và người đi vay sẵn sàng vay để sản xuất kinh doanh là một kết quả mà mọi nền kinh tế luôn hướng đến.
Chính vì vai trò và ý nghĩa quan trọng của mình mà lãi suất là một trong những biến số được các chủ thể trong nền kinh tế theo dõi chặt chẽ nhất và diễn biến của nó được đưa tin hầu như hàng ngày trên các phương tiện truyền thông.
Lãi suất bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào?
Các yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất quý khách nên lưu ý bao gồm:
Mức cung cầu tiền tệ (vốn) trên thị trường
Lãi suất là mức giá mà bạn phải trả để sử dụng vốn, vì vậy bất kỳ sự biến đổi nào trong cung hoặc cầu hoặc cả cung và cầu tiền tệ mà không diễn ra với cùng một tỷ lệ sẽ ảnh hưởng đến mức lãi suất trên thị trường.
Mặc dù biến động lãi suất cũng phụ thuộc vào các quy định của chính phủ và ngân hàng trung ương, nhưng hầu hết các nền kinh tế thị trường dựa vào nguyên tắc này để xác định lãi suất.
Vì vậy, có thể tác động lên cung cầu vốn trên thị trường để thay đổi lãi suất nền kinh tế cho phù hợp với mục tiêu và chiến lược của từng giai đoạn.Ví dụ, khi lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, Ngân hàng Trung ương có thể tăng cung tiền bằng cách bơm tiền vào hệ thống tài chính, dẫn đến xu hướng giảm lãi suất.
Ngược lại, khi kinh tế phát triển nóng và có nguy cơ lạm phát cao, chính phủ có thể áp dụng các biện pháp để giảm cung tiền, dẫn đến tăng lãi suất. Điều này cho thấy mức cung cầu tiền tệ trên thị trường đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng lớn đến biến đổi của lãi suất tín dụng trên thị trường.
Lạm phát
Khi lạm phát dự đoán tăng cao trong một thời kỳ, những tổ chức, cá nhân nắm giữ vốn trong nền kinh tế sẽ có xu hướng trú ẩn vào các tài sản an toàn như vàng, ngoại tệ mạnh thay vì gửi tiền vào hệ thống tài chính vì lo sợ đồng tiền bị mất giá. Điều này khiến cho nguồn cung vốn sụt giảm và sẽ gây áp lực khiến cho lãi suất tăng.
Có thể thấy, khi lạm phát kỳ vọng tăng, lãi suất cũng tăng theo. Mối quan hệ này cho thấy sự quan trọng và ý nghĩa của việc kiểm soát tâm lý lạm phát để đảm bảo ổn định lãi suất, sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
Tính ổn định của nền kinh tế và chính trị
Khi nền kinh tế ổn định và phát triển, tài sản vật chất trong xã hội gia tăng và cuộc sống của người dân trở nên ổn định hơn. Của cải dư thừa nên người dân có thể lựa chọn gửi tiền tiết kiệm để nhận lãi suất hoặc đầu tư. Điều này dẫn đến sự gia tăng cung tiền và từ đó lãi suất có xu hướng giảm. Trong khi đó, khi nền kinh tế phát triển ổn định, các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để đầu tư kinh doanh và tạo ra lợi nhuận, cầu tiền tệ tăng lên và lãi suất cũng có xu hướng tăng theo.
Sự ổn định của chính trị cũng rất quan trọng: nếu nền chính trị bất ổn, tâm lý người dân cũng sẽ bất an, họ sẽ lo sợ về sự thay đổi trong các chính sách kinh tế, chính trị và thường sẽ có xu hướng “trú ẩn” vốn trong các tài sản an toàn khác thay vì gửi tiền vào các ngân hàng. Các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ dừng lại hoặc hoạt động cầm chừng, từ đó gây nên những biến động về lãi suất.
Chính sách của nhà nước
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển theo định hướng kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Vì vậy, trong từng thời kỳ, tùy theo tình hình thực tế, Nhà nước sẽ có những chính sách nhất định để điều tiết nền kinh tế, từ đó tác động đến lãi suất. Hai công cụ được Nhà nước sử dụng gồm:
- Chính sách tài khóa: bao gồm chi tiêu của chính phủ và thuế khóa. Là một công cụ đắc lực để chính phủ can thiệp và tác động vào nền kinh tế. Tùy từng thời kỳ, chính phủ sẽ áp dụng chính sách tài khóa mở rộng (tăng chi tiêu của chính phủ, giảm thuế) hoặc chính sách tài khóa thắt chặt (giảm chi tiêu của chính phủ, tăng thuế) để điều tiết nền kinh tế.
- Chính sách tiền tệ: là ngân hàng của các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện vai trò chỉ huy đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng thông qua các công cụ, nghiệp vụ của mình để tác động trực tiếp đến cung tiền, từ đó tác động đến sự thay đổi của lãi suất. Chính sách tiền tệ cũng chia làm hai loại là mở rộng và thắt chặt (thu hẹp) để phù hợp với mục tiêu điều tiết nền kinh tế trong từng thời kỳ.
Tổng kết
Hy vọng rằng, những thông tin trong bài viết trên đã giúp quý khách giải đáp thắc mắc lãi suất là gì. Việc hiểu rõ lãi suất trong bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ giúp cá nhân, doanh nghiệp xác định chính sách đầu tư tài chính hiệu quả và hợp lý.