Lạm phát là một hiện tượng kinh tế đáng chú ý, đã và đang ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới. Hiểu rõ về lạm phát, nguyên nhân gây ra nó và cách kiểm soát là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của một nền kinh tế. Vậy lạm phát là gì? Nguyên nhân nào dẫn đến lạm phát? Có những cách nào để kiểm soát lạm phát? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé!
Tìm hiểu lạm phát là gì?
Lạm phát là sự tăng liên tục mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong một quốc gia theo thời gian và làm giảm giá trị của đơn vị tiền tệ.
Trong điều kiện bình thường của một quốc gia, một đơn vị tiền tệ có thể mua được một đơn vị hàng hóa. Tuy nhiên, khi xảy ra lạm phát, một đơn vị tiền tệ đó sẽ không còn đủ sức mua được một đơn vị hàng hóa và có thể cần phải sử dụng hai hoặc ba đơn vị tiền tệ mới có thể mua được đơn vị hàng hóa tương đương.
Ví dụ: Trong điều kiện bình thường mua một bát phở với giá 25.000 VNĐ, khi xảy ra tình trạng lạm phát để mua được một bát phở bạn cần phải bỏ ra 30.000 VNĐ.
Các mức độ lạm phát
Có 3 mức độ của lạm phát:
Lạm phát điều hoà (Creeping inflation)
Đây là mức độ lạm phát thấp và ổn định, khi tỷ lệ tăng giá hàng hóa và dịch vụ từ 1 đến 3% mỗi năm. Lạm phát điều hoà thường được coi là mức độ bình thường và có thể hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế.
Nếu lạm phát điều hoà được kiểm soát và ổn định, người dân và doanh nghiệp có thể dự đoán và điều chỉnh chi tiêu và đầu tư một cách hiệu quả. Lạm phát tự nhiên với tỷ lệ từ 0 đến 10%. Thực tế thì các quốc gia luôn kỳ vọng, tỷ lệ lạm phát ở mức dưới 5%;
Lạm phát phi mã (Galloping inflation)
Đây là mức độ lạm phát cao, khi tỷ lệ tăng giá hàng hóa và dịch vụ dao động từ hàng chục đến hàng trăm phần trăm trong một năm. Lạm phát phi mã có tỷ lệ từ 10% đến 1000%.
Lạm phát nặng nề gây ra không bình đẳng kinh tế và có thể ảnh hưởng đến đầu tư, tiết kiệm và sự ổn định của nền kinh tế. Chính phủ thường phải áp dụng các biện pháp kiểm soát tiền tệ và chính sách kinh tế để cố gắng giảm tốc độ tăng giá.
Siêu lạm phát (Hyperinflation)
Đây là mức độ lạm phát cực kỳ cao và không kiểm soát được, khi tỷ lệ tăng giá hàng hóa và dịch vụ có thể lên đến hàng trăm hoặc hàng ngàn phần trăm trong một năm. Lạm phát trầm trọng thường xảy ra trong tình hình khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, thất bại của chính sách tiền tệ và tài khóa, hoặc những tình huống khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.
Hậu quả của lạm phát trầm trọng là tiền mất giá nhanh chóng, gây ra hỗn loạn, sụp đổ hệ thống tài chính và gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Siêu lạm phát có tỷ lệ từ 1000% trở lên.
Các nguyên nhân dẫn đến lạm phát
Bạn hãy tạm coi tiền tệ như một món hàng trao đổi thời còn hàng đổi hàng. Món hàng nào có giá thì món đó sẽ đổi được nhiều hơn món hàng khác. Đô la Mỹ (USD) là đồng tiền có giá, bạn có thể dùng nó để mua hàng hóa ở bất kỳ đâu vì nó là đồng tiền có giá trị, được bảo chứng toàn cầu.
Còn một quốc gia sản xuất yếu kém, hàng hóa khan hiếm thì giá cả hàng hóa tăng. Giá tăng thì phải bỏ nhiều tiền hơn mua hàng hóa. Mà khi tiền mang đi quá nhiều bất tiện, nhà nước sẽ in các tờ tiền mệnh giá lớn để hỗ trợ lưu thông hàng hóa gọn gàng hơn. Khi đó lạm phát bắt đầu xảy ra. Có rất nhiều nguyên nhân xảy ra, tuy nhiên do “cầu kéo” và “chi phí đẩy” được coi là 2 nguyên nhân chính.
Lạm phát do cầu kéo
Lạm phát do cầu kéo xảy ra khi cung tiền và tín dụng tăng, kích thích tổng cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng nhanh hơn năng lực sản xuất của nền kinh tế. Điều này khiến nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng và dẫn đến tăng giá. Một mặt hàng tăng kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo.
Khi người dân no đủ, có nhiều tiền để tiêu hơn thì tâm lý tiêu dùng sẽ tích cực và thoải mái hơn rất nhiều. Họ sẵn sàng chi cao hơn, khiến giá bị kéo lên cao, điều này tạo ra khoảng cách giữa cung và cầu: cầu thì nhiều nhưng cung kém, thiếu linh hoạt.
Ở Việt Nam, tình trạng này rất dễ nhận thấy, chẳng hạn khi xăng lên giá thì rất nhiều mặt hàng khác tăng theo như vận tải, vận chuyển hành khách, giá đồ ăn thức uống… sau đó mặc dù xăng xuống giá nhưng các mặt hàng và dịch vụ khác không xuống theo.
Lạm phát do chi phí đẩy
Lạm phát do chi phí đẩy là kết quả của việc tăng giá tác động thông qua các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, chẳng hạn như nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị, tiền lương công nhân viên…
Khi việc bổ sung nguồn cung tiền và tín dụng được chuyển vào thị trường hàng hóa hoặc tài sản khác thì chi phí cho tất cả các hàng hóa trung gian sẽ tăng lên. Sau đó, chi phí cho thành phẩm và dịch vụ sẽ cao hơn để doanh nghiệp có thể bảo toàn lợi nhuận, khiến giá tiêu dùng tăng cao.
Lạm phát tích hợp
Lạm phát tích hợp có liên quan đến kỳ vọng thích ứng hoặc ý tưởng mà mọi người kỳ vọng tỷ lệ lạm phát hiện tại sẽ tiếp tục trong tương lai. Khi giá hàng hóa và dịch vụ tăng, mọi người có thể mong đợi sự gia tăng liên tục trong tương lai với tốc độ tương tự như vậy.
Lúc đó, người lao động sẽ đòi hỏi nhiều chi phí và tiền lương hơn để duy trì mức sống của họ. Tiền lương của họ tăng dẫn đến chi phí và dịch vụ cao hơn và cứ tiếp tục mối quan hệ tiền lương và giá cả như vậy, khi một yếu tố xảy ra sẽ tác động đến yếu tố còn lại.
Lạm phát do cơ cấu
Lạm phát do cơ cấu xảy ra khi một số ngành nghề hoạt động có hiệu quả, tăng tiền công danh nghĩa cho người lao động, buộc các ngành nghề khác phải tăng theo dù hoạt động không có hiệu quả. Lúc đó, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả phải tăng giá thành phẩm lên để bù đắp vào phần thiếu hụt của tiền lương và đảm bảo mức lợi nhuận.
Lạm phát do cầu thay đổi
Khi thị trường giảm nhu cầu tiêu thụ về một mặt hàng nào đó, trong khi lượng cầu về một mặt hàng khác lại tăng lên. Nếu thị trường có người cung cấp độc quyền và giá cả có tính chất cứng nhắc phía dưới (chỉ có thể tăng mà không thể giảm, như giá điện ở Việt Nam), thì mặt hàng mà lượng cầu giảm vẫn không giảm giá. Trong khi đó mặt hàng có lượng cầu tăng thì lại tăng giá. Kết quả là mức giá chung tăng lên, dẫn đến lạm phát.
Lạm phát do xuất nhập khẩu
Lạm phát do xuất nhập khẩu cũng liên quan đến việc cung cầu mất cân bằng. Khi xuất khẩu tăng, người ta sẽ thu gom hàng hóa nhiều phục vụ cho việc xuất khẩu khiến nguồn cung trong nước khan hiếm, làm giá bị đẩy lên cao. Tương tự, khi nhập khẩu tăng, thì giá bán hàng nhập khẩu trong nước cũng tăng theo, mức giá chung bị giá nhập khẩu đội lên dần dần dẫn đến lạm phát.
Lạm phát tiền tệ
Khi cung lượng tiền lưu hành trong nước tăng, chẳng hạn do ngân hàng trung ương mua ngoại tệ vào để giữ cho đồng tiền trong nước khỏi mất giá so với ngoại tệ; hay do ngân hàng trung ương mua công trái theo yêu cầu của nhà nước làm cho lượng tiền trong lưu thông tăng lên cũng là nguyên nhân gây ra lạm phát.
Lạm phát ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế
Lạm phát ảnh hưởng tới kinh tế đời sống theo hai hướng cả tiêu cực và tích cực.
Ảnh hưởng theo hướng tích cực
Với những cá nhân, tổ chức có tài sản hữu hình như bất động sản hoặc tài sản dự trữ khác, được định giá bằng đồng nội tệ thì lạm phát có thể làm tăng giá tài sản của họ lên, họ có thể bán chúng với giá cao hơn.
Một mức độ lạm phát vừa phải (dưới 5% ở các nước phát triển và dưới 10% ở các nước đang phát triển) thường được thúc đẩy để khuyến khích chi tiêu ở một mức độ nhất định thay vì tiết kiệm. Nếu sức mua của đồng tiền giảm dần theo thời gian thì có thể sẽ có động cơ lớn hơn để chi tiêu thay vì tiết kiệm rồi chi tiêu trong tương lai.
Chi tiêu tăng thì thúc đẩy và kích thích tăng trưởng các hoạt động kinh tế khác, hoạt động đầu tư vay nợ cũng sôi động hơn, các doanh nghiệp phát triển tốt thì người lao động cũng có việc làm ổn định, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống.
Về phía Nhà nước và Chính phủ, có thêm khả năng để lựa chọn các công cụ kích thích đầu tư ở những mảng kém ưu tiên bằng cách mở rộng tín dụng, phân phối lại thu nhập và các nguồn lực trong xã hội theo các định hướng mục tiêu và trong khoảng thời gian nhất định.
Ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực
Thứ nhất, ảnh hưởng tới lãi suất
Tác động đầu tiên của lạm phát đó là lãi suất, khi tỷ lệ lạm phát tăng cao, nếu muốn lãi suất ở mức ổn định và thực dương thì lãi suất danh nghĩa phải tăng lên theo tỷ lệ lạm phát, do lãi suất thực bằng lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát. Việc tăng lãi suất danh nghĩa có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Thứ hai, ảnh hưởng đến thu nhập thực tế
Khi lạm phát tăng lên nhưng thu nhập danh nghĩa không thay đổi thì thu nhập thực tế của người lao động sẽ bị giảm xuống. Lạm phát không chỉ làm mất đi giá trị thật của những tài sản không có lãi mà còn làm hao mòn cả giá trị của các tài sản có lãi. Do chính sách thuế của Nhà nước dựa trên cơ sở của thu nhập danh nghĩa, nên các khoản lãi và lợi nhuận cũng giảm sút, từ đó thu nhập giảm.
Thứ ba, ảnh hưởng đến sự phân phối thu nhập
Lạm phát càng tăng thì giá trị của đồng tiền càng giảm, người đi vay sẽ có lợi hơn, do vậy, nhu cầu vay vốn càng tăng thêm đẩy lãi suất lên cao. Giai cấp tư bản hoặc những người giàu có sẽ có xu hướng dùng tiền để vơ vét tài sản và hàng hóa nhằm mục đích đầu cơ, tình trạng này sẽ làm mất cân đối nghiêm trọng quan hệ cung-cầu hàng hóa trên thị trường khiến giá cả ngày một “sốt” hơn.
Cuối cùng, người nghèo càng nghèo hơn, họ không mua nổi các hàng hóa thiết yếu phục vụ cho đời sống, trong khi người giàu lại ngày càng giàu hơn. Tình trạng này nếu kéo dài có thể gây ra bất ổn trong xã hội, căng thẳng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư bản, xung đột leo thang giữa người giàu và người nghèo.
Thứ tư, ảnh hưởng đến nợ quốc gia
Chính phủ sẽ được lợi do đánh thuế thu nhập của người dân khi lạm phát gia tăng, nhưng những khoản nợ nước ngoài sẽ trở nên “khổng lồ” hơn. Nguyên nhân là do lạm phát khiến tỷ giá hối đoái tăng và đồng nội tệ đã bị mất giá nhanh hơn đồng ngoại tệ.
Những biện pháp kiểm soát lạm phát hiệu quả
Thực tế cần nhiều những giải pháp linh hoạt và đồng bộ thì mới có thể có hiệu quả, cụ thể là:
- Đầu tiên, theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế và tình hình lạm phát trên toàn thế giới, xem tác động đến Việt Nam như thế nào, từ đó có biện pháp ứng phó phù hợp, luôn giữ cho cung-cầu trong nước ở mức cân đối.
- Thứ hai, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, kết hợp linh hoạt, nhịp nhàng với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để nền kinh tế vĩ mô được ổn định.
- Thứ ba, các bộ, các ngành và địa phương cần chủ động trong việc tính toán các phương án giá đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, chẳng hạn như giáo dục, khám chữa bệnh, điện đường, trường trạm… để có thể điều chỉnh kịp thời và phù hợp với quy định của Nhà nước và bối cảnh thực tế.
- Thứ tư, các cơ quan quản lý giá có trách nhiệm tổ chức, theo dõi biến động cung-cầu, giá cả các hàng hoá trên thị trường để điều chỉnh và tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất kinh doanh, bình ổn giá thị trường cũng như luôn có nguồn hàng dự trữ đầy đủ. Nên đa dạng hoá nguồn cung nguyên vật liệu, để không xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt với những mặt hàng như xăng dầu, giá than hay điện.
- Thứ năm, các quy định không hợp lý cần được gỡ bỏ dần dần, nhất là về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng suất và chất lượng, hiệu quả cho nền kinh tế.
Cuối cùng, các công cụ, biện pháp điều tiết giá, kiểm soát thị trường phải được sử dụng linh hoạt để thị trường không diễn tiến theo chiều hướng xấu. Cả cơ quan quản lý và các cơ quan báo chí, truyền thông cũng như người tiêu dùng cần phối hợp chặt chẽ để giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành đúng luật về giá và có biện pháp xử phạt đích đáng.
Tổng kết
Tóm lại, nền kinh tế thị trường nào cũng sẽ phát sinh ra lạm phát. Lạm phát tăng cao gây ra suy thoái kinh tế, người dân trở nên nghèo đói khốn khổ. Nhưng lạm phát không thực sự là xấu hoàn toàn, nếu có biện pháp kiểm soát tốt thì lạm phát sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng và phát triển. Hy vọng rằng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ lạm phát là gì.