Tài chính công là một lĩnh vực quan trọng trong hệ thống tài chính của một quốc gia, nghiên cứu về quản lý và sử dụng các nguồn tài chính công. Nó liên quan đến việc thu thuế, chi tiêu công, vay nợ và quản lý tài sản công để đáp ứng các mục tiêu kinh tế và xã hội của quốc gia. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn tài chính công là gì trong bài viét dưới đây nhé!
Tìm hiểu tài chính công là gì?
Tài chính công là tổng hợp tất cả các hoạt động thu chi được sử dụng bằng tiền do nhà nước tiến hành. Tài chính công phản ánh hệ thống các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình tạo lập cũng như sử dụng các quỹ công. Mục đích là nhằm phục vụ cho thực hiện các chức năng của nhà nước. Đồng thời đáp ứng các nhu cầu và lợi ích chung của toàn thể xã hội.
Nội dung của tài chính công
Tài chính công có nội dung vô cùng đa dạng xét theo nhiều góc độ khác nhau. Nếu phân theo đối tượng quản lý thì nội dung của tài chính công bao gồm 3 mảng chính sau:
Ngân sách Nhà nước
Ngân sách nhà nước còn được gọi là ngân sách chính phủ hay ngân sách quốc gia là một thuật ngữ kinh tế phổ biến. Theo điều 4 Luật ngân sách nhà nước năm 2015 quy định:
- Ngân sách Nhà nước là toàn bộ các khoản thu chi của nhà nước được dự đoán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để đảm bảo thực hiện các chức năng nhiệm vụ của nhà nước.
- Ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Ngân sách nhà nước có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối nội và đối ngoại của đất nước. Đây còn là công cụ điều chỉnh điều tiết thị trường, bình ổn giá cả và phát triển đời sống. Do đó, ngân sách nhà nước có vai trò nòng cốt trong nền tài chính công.
Tín dụng Nhà nước
Tín dụng là khái niệm thể hiện mối quan hệ giữa người cho vay và người vay. Theo đó tín dụng nhà nước là hoạt động vay và cho vay của nhà nước. Nguồn thu từ hoạt động tín dụng của nhà nước cũng sẽ góp phần vào ngân sách nhà nước. Do đó đây cũng là một Nội dung quan trọng của nền tài chính công.
Các quỹ Nhà nước ngoài ngân sách
Khoảng 9 điều 4 luật ngân sách nhà nước năm 2015 có quy định:
- Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là những quỹ do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập và hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước nguồn thu và nhiệm vụ chi của quỹ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Mục đích của những quỹ này là nhằm huy động thêm nguồn thu nhập từ xã hội để thực hiện các nhiệm vụ công cộng đã được xác định.
Tài chính công bao gồm những thành phần nào?
Tương tự như các quỹ tài chính khác, tài chính công cũng bao gồm nguồn thu và chi tiêu, cụ thể như sau:
Nguồn thu
Nguồn thu của tài chính công bao gồm thu Ngân sách Nhà nước (NSNN), tín dụng nhà nước và các quỹ ngoài ngân sách. Trong đó, nguồn thu quan trọng nhất là Ngân sách Nhà nước. Khoản ngân sách này được sử dụng để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, duy trì sự tồn tại và hoạt động của bộ máy nhà nước như trả lương cho công chức, viên chức, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm…), trợ cấp an sinh xã hội, trợ giá…
Nguồn thu NSNN đến từ mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, trong đó bao gồm 4 thành phần chính sau:
- Thuế: Đây là nguồn thu chủ yếu và quan trọng nhất của NSNN. Theo thống kê từ Bộ Tài chính, thuế đóng góp hơn 70% đến hơn 80% nguồn thu NSNN.
- Lệ phí: Là chi phí phải trả khi bạn sử dụng các thủ tục hành chính công, dịch vụ công như phí trước bạ, phí cầu đường, phí cấp sổ đỏ, phí công chứng…
- Các dịch vụ công: Là nguồn thu từ việc cung cấp các dịch vụ công như bệnh viện công, trường học công, trung tâm thể thao… Khi khám bệnh ở bệnh viện công, học ở trường công, bên cạnh những khoản được miễn theo quy định, người dân cần trả phí cho các dịch vụ không được miễn giảm.
- Đi vay: Nhà nước cũng có thể đi vay để bổ sung NSNN, đối tượng vay ưu tiên và chủ yếu là từ người dân và các thành phần kinh tế trong xã hội. Hình thức đi vay thường là phát hành Trái phiếu Chính phủ, Tín phiếu kho bạc… cho người dân và các doanh nghiệp trong nước.
- Nguồn thu khác: NSNN cũng có thể được bổ sung từ việc nhận tài trợ, nhận đầu tư, nhận viện trợ ODA từ nước ngoài…
Chi tiêu
Như đã nhắc đến ở trên, tài chính công được sử dụng để duy trì sự hoạt động của bộ máy nhà nước, chi trả thực hiện nhiệm vụ của nhà nước và một số khoản chi khác, cụ thể:
- Duy trì bộ máy Nhà nước: Đây là khoản chi thường xuyên, gần giống chi phí hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm trả lương cán bộ viên chức Nhà nước, mua sắm thiết bị văn phòng, trả tiền điện, tiền nước, chi phí tổ chức sự kiện…
- Chi đầu tư phát triển: Đây là khoản chi nhằm thực hiện chức năng của Nhà nước, thúc đẩy và ổn định kinh tế xã hội. Có thể kể đến một số khoản chi như kinh phí xây đường xá, trường học, bệnh viện…
- Trả các khoản nợ: Một phần nhỏ NSNN được trích để trả các khoản nợ vay trong nước và nước ngoài.
- Chi đột xuất: Đây giống như các khoản dự phòng của doanh nghiệp, một phần NSNN được trích lập dự phòng cho các trường hợp chi đột xuất như khắc phục thiên tai, phòng chống dịch bệnh…
Những đặc điểm của tài chính công
Tài chính công có những điểm giống và khác so với tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp. Để phân biệt, bạn có thể dựa vào đặc điểm của tài chính công dưới đây:
Mang tính chủ thể
Chủ thể duy nhất sở hữu và có quyền ra quyết định sử dụng tài chính công là Nhà nước. Mục tiêu sử dụng tài chính công phải liên quan mật thiết tới hoạt động của bộ máy Nhà nước. Điều này đảm bảo quyền lãnh đạo thống nhất và tập trung của nhà nước, loại trừ sự chia sẻ và phân tán quyền lực.
Mang tính hiệu quả
Doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu lợi nhuận nên hiệu quả của việc sử dụng tài chính doanh nghiệp thể hiện ở việc 1 đồng chi phí bỏ ra thu về bao nhiêu đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, Nhà nước không hoạt động theo mục tiêu lợi nhuận, việc thu chi tài chính không hoàn trả trực tiếp. Nghĩa là, hiệu quả 1 đồng bỏ ra không đánh giá dựa trên số tiền thu về mà dựa trên các chỉ số kinh tế – xã hội.
Chẳng hạn, Nhà nước bỏ ra chi phí để duy trì sự hoạt động của các đơn vị kinh tế nhà nước như ngân hàng nhà nước, ngân hàng chính sách, ngân hàng phát triển…
Những đơn vị này sử dụng nguồn vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nền kinh tế, hỗ trợ và trợ cấp cho người dân. Kết quả nhận về được đo lường bằng các chỉ số phát triển kinh tế (GDP, lạm phát…), chỉ số an sinh xã hội (tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ người dân biết chữ, tỷ lệ thất nghiệp…).
Nguồn thu nhập
Nguồn hình thành thu nhập của tài chính công đến từ tất cả các lĩnh vực trong xã hội từ sản xuất, lưu thông, phân phối, dịch vụ… trong nước và nước ngoài. Nguồn thu này gắn liền với sự phát triển kinh tế, quá trình theo dõi các yếu tố kinh tế – xã hội khác như giá cả, lãi suất, mức thu nhập…
Phạm vi hoạt động
Quá trình hình thành và sử dụng tài chính công thể hiện mối quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và các chủ thể khác trong nền kinh tế. Việc sử dụng tài chính công nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu.
Tài chính công tham gia vào nhiều lĩnh vực, khía cạnh của xã hội như kinh tế, giáo dục, sản xuất, an ninh, quốc phòng… Phạm vi này được điều chỉnh thay đổi phụ thuộc vào chính sách nhà nước trong từng thời kỳ.
Những chức năng cơ bản của tài chính công
Tài chính công có 3 chức năng cơ bản như sau:
Chức năng phân bổ
Trong nền kinh tế có hai loại hàng hóa đó là hàng hóa tư nhân và hàng hóa công cộng. Hàng hóa tư nhân có một loại độc quyền đối với chính nó. Còn hàng hóa công cộng thì không độc quyền.
Chức năng phân bổ của tài chính công liên quan tới việc phân bổ các hàng hóa công cộng. Chính phủ sẽ thực hiện một số chức năng như duy trì luật pháp, trật tự và phòng chống lại cuộc tấn công của nước ngoài, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Việc thực hiện chức năng phân bổ yêu cầu có một quy mô lớn và phải phân bổ một cách hiệu quả.
Chức năng phân phối
Ở các quốc gia trên thế giới luôn có sự chênh lệch về thu nhập và sự giàu có. Những bất bình đẳng này gây ra thiệt hại cho xã hội và khiến cho tỷ lệ tội phạm của đất nước tăng. Chức năng phân phối của tài chính công đó là giảm thiểu về những bất bình đẳng trong xã hội ngày càng nhiều càng tốt thông qua việc phân phối lại thu nhập và của cải.
Chức năng ổn định
Nền kinh tế sẽ phải trải qua thời kỳ bùng nổ và suy thoái, đây được gọi là một chu kỳ kinh doanh bình thường. Tuy nhiên những giai đoạn này lại tạo ra sự bất ổn trong nền kinh tế. Vì thế chức năng bình ổn cả tài chính công đó là loại bỏ hoặc ít nhất là làm giảm đi những biến động kinh doanh này.
Những yếu tố ảnh hưởng đến tài chính công
Nhà nước và nền kinh tế hàng hóa tiền tệ là 2 yếu tố chính tác động tới tài chính công, cụ thể:
Nhà nước
Nhà nước và tài chính công có một quan hệ mật thiết, tác động qua lại với nhau. Nhà nước là cơ quan xây dựng và sử dụng tài chính công. Nguồn tài chính công được sử dụng để phục vụ cho việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Mặt khác, nguồn thu tài chính công từ các thành phần kinh tế trong xã hội. Do đó, nếu sử dụng tài chính công hiệu quả, nền kinh tế và xã hội phát triển, nguồn thu NSNN tăng. Từ đó, đầu tư vào kinh tế, quốc phòng, an ninh xã hội tăng, vị thế đất nước trên trường quốc tế tăng.
Nền kinh tế hàng hóa tiền tệ
Nhà nước không thể tự cung tự cấp các điều kiện cần thiết để tồn tại và thực hiện các nhiệm vụ mà cần nguồn tài chính công, tức tiền trong NSNN. Quá trình tạo lập và sử dụng nguồn tài chính công gắn liền với việc sử dụng tiền tệ để trao đổi hàng hóa, điều này liên quan đến nền kinh tế hàng hóa tiền tệ.
Tổng kết
Trên đây là những thông tin cơ bản về tài chính công gồm khái niệm, đặc điểm, thành phần, chức năng và các yếu tố tác động. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ về tài chính công và hệ thống tài chính công ở Việt Nam.