Kinh tế thị trường là gì? Các ưu, nhược điểm của kinh tế thị trường

Kinh tế thị trường là một hệ thống kinh tế dựa trên quyền tự do của cá nhân và doanh nghiệp trong việc sản xuất, tiêu thụ và phân phối các hàng hóa và dịch vụ. Vậy kinh tế thị trường là gì? Kinh tế thị trường có những ưu điểm và nhược điểm nào? Cùng tìm hiểu trong bài viét dưới đây nhé!

Tìm hiểu kinh tế thị trường là gì?

Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà ở đó tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nhiều loại hình sở hữu cùng tham gia, cùng vận động và phát triển trong một cơ chế cạnh tranh bình đẳng và ổn định.

Nền kinh tế thị trường là hệ thống kinh tế trong đó các hoạt động sản xuất, phân phối và giá cả được quyết định bởi sự tương tác giữa cung và cầu. Theo đó, giá của một sản phẩm hay dịch vụ được xác định bởi sức mua và sức bán của các bên tham gia trên thị trường.

Hệ thống kinh tế thị trường có xu hướng tự động điều chỉnh để đạt được sự cân bằng giữa cung và cầu, và cung cầu thị trường là những thước đo quan trọng để đánh giá sự phát triển của một nền kinh tế thị trường.

Kinh tế thị trường là gì?
Kinh tế thị trường là gì?

Đặc điểm của kinh tế thị trường

Là nền kinh tế với sự tham gia của ba chủ thể là nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, kinh tế thị trường có một số đặc trưng riêng so với các mô hình kinh tế khác như:

  • Có nhiều thành phần kinh tế, nhiều loại hình sở hữu cùng tham gia.
  • Là mô hình kinh tế có bản chất là nền kinh tế mở.
  • Giá cả sản phẩm dịch vụ được quyết định bởi nguyên tắc của thị trường.
  • Đối với doanh nghiệp, động lực tham gia vào nền kinh tế là lợi ích kinh tế. Đối với nhà nước, khi tham gia nền kinh tế, ngoài lợi ích kinh tế còn phải đảm bảo lợi ích chung của xã hội.
  • Các thành phần tham gia nền kinh tế có tính độc lập cao. Mỗi chủ thể sẽ tự quyết định hoạt động kinh doanh của mình.

Ví dụ minh họa về kinh tế thị trường

Một số ví dụ về nền kinh tế thị trường:

  • Hoa Kỳ: Đây là quốc gia tiêu biểu có nền kinh tế thị trường phát triển hàng đầu thế giới. Nền kinh tế nước này hoạt động trên nguyên tắc tự do cạnh tranh, giá cả hàng hóa lên xuống theo quy luật cung cầu.
  • Đức: Đức là tiêu biểu cho mô hình kinh tế thị trường có sự can thiệp nhất định của chính phủ. Bên cạnh việc coi nguyên tắc tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh là nguyên tắc cơ bản, thì chính phủ Đức vẫn có vai trò kiểm soát và quản lý một số ngành công nghiệp chiến lược. Đồng thời chính phủ cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
  • Nhật Bản: Đây là quốc gia tiêu biểu cho mô hình kinh tế thị trường có sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ trong việc quản lý và điều hướng nền kinh tế. Chính phủ Nhật Bản đưa ra những chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ và xây dựng cơ sở hạ tầng. Mặc dù có sự chi phối mạnh mẽ của chính phủ nhưng Nhật Bản vẫn tuân thủ nguyên tắc của kinh tế thị trường đó là tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh.
  • Việt Nam: Mô hình kinh tế Việt Nam đang thực hiện là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nền kinh tế nhiều thành phần trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo, có trách nhiệm định hướng nền kinh tế, với mục tiêu dài hạn là xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Các ưu điểm và nhược điểm của kinh tế thị trường

Ưu điểm và nhược điểm của kinh tế thị trường là gì? Dưới đây là những ưu điểm nổi bật của và các mặt hạn chế của nền kinh tế thị trường:

Các ưu điểm và nhược điểm của kinh tế thị trường
Các ưu điểm và nhược điểm của kinh tế thị trường

Ưu điểm

  • Kinh tế thị trường thúc đẩy các hoạt động sản xuất.

Theo cơ chế hoạt động của kinh tế thị trường, khi xảy ra trường hợp cầu cao hơn cung thì sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao, theo đó mức lợi nhuận cũng sẽ tăng lên. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất, các nguồn lực sản xuất sẽ chảy về các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không hiệu quả sẽ bị đào thải.

Do đó sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phải liên tục đổi mới quy trình công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng đòi hỏi của thị trường.

  • Kinh tế thị trường tạo ra xu hướng liên doanh liên kết, giao lưu kinh tế giữa các quốc gia. Xu hướng này giúp các nước đang phát triển được chuyển giao công nghệ để phát triển kinh tế.
  • Kinh tế thị trường cung cấp nhiều việc làm hơn các mô hình kinh tế khác và chất lượng nguồn nhân lực cũng càng ngày càng được nâng cao.

Nhược điểm

  • Gia tăng khoảng cách giàu nghèo, là nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng trong xã hội;
  • Nền kinh tế thị trường có thể tạo ra sự loại trừ xã hội, khi những người không có kỹ năng hoặc tài sản đầu tư khó có thể tham gia và hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế.
  • Trong cạnh tranh, nhà sản xuất lớn mạnh sẽ dần thôn tính các nhà sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến tình trạng nền kinh tế dần trở thành độc quyền chi phối;
  • Nền kinh tế thị trường thường không chú trọng đến vấn đề môi trường. Việc chỉ theo đuổi lợi nhuận sẽ gây ra nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường và khai thác tài nguyên không bền vững;
  • Một số người cho rằng nền kinh tế thị trường có thể làm mất đi sự tư nhân hóa xã hội và tạo ra một xã hội mà coi trọng giá trị tiền bạc;
  • Gây mất cân bằng cung – cầu, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng về kinh tế. Do cơ chế của nền kinh tế thị trường nên thị trường luôn biến động, không phải lúc nào giá cả và hàng hóa cũng cân đối với nhau, còn thêm dịch bệnh, thiên tai… và việc các công ty luôn muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh để chạy theo lợi nhuận, vậy nên khủng hoảng thừa, thất nghiệp, lạm phát rất có thể xảy ra.

Những chủ thể tham gia vào nền kinh tế thị trường

Các chủ thể chính trong nền kinh thế thị trường có:

  • Nhà nước: Nhà nước có vai trò đảm bảo cho nền kinh tế ổn định và phát triển, nhờ thực hiện các chức năng cơ bản như: quản lý, khắc phục các khuyết tật trên thị trường, xây dựng thể chế, cung cấp hàng hóa công cộng thuần túy, quan tâm đến những yếu tố ngoại ứng, kiểm soát sự độc quyền và phân phối các hoạt động tư nhân, phân phối lại của cải trong xã hội, đảm bảo sự bình đẳng xã hội cũng như ổn định của toàn bộ nền kinh tế.
  • Người sản xuất: Người sản xuất và cung cấp hàng hoá, dịch vụ trong thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của toàn xã hội. Họ là những đối tượng tạo ra nguồn cung cho thị trường. Người sản xuất có thể là doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã sản xuất…
  • Người tiêu dùng: Người tiêu dùng có vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế thị trường vì họ chính là những người mua các hàng hóa sản xuất, là người tạo ra nhu cầu, là căn cứ cho sự phát triển sản xuất của nền kinh tế.
  • Ngân hàng và các tổ chức tài chính: Hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính đóng vai trò quan trọng trong cung cấp và quản lý tiền tệ, cung cấp dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp và cá nhân, và ảnh hưởng đến lãi suất và chính sách tài chính.
  • Lực lượng lao động: Người lao động đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và cung cấp lao động cho doanh nghiệp. Thị trường lao động quyết định giá cả lao động và ảnh hưởng đến mức độ đào tạo và kỹ năng cần thiết.
  • Các chủ thể trung gian khác: Những chủ thể này có thể là cá nhân, tổ chức đóng vai trò là cầu nối giữa chủ thể sản xuất và người tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ. Các chủ thể trung gian khiến cho nền kinh tế thị trường trở nên linh hoạt hơn. Những chủ thể này có thể là các cá nhân, tổ chức kinh doanh, chủ thể quốc tế như các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức quốc tế, và thị trường xuất khẩu.
Những chủ thể tham gia vào nền kinh tế thị trường
Những chủ thể tham gia vào nền kinh tế thị trường

Kinh tế thị trường bị chi phối bởi những quy luật nào?

Nền kinh tế thị trường chịu sự chi phối của năm quy luật:

Quy luật cạnh tranh

Sự cạnh tranh là tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Người bán cần xác định được lợi thế của sản phẩm hàng hóa dịch vụ của mình là gì, để từ đó đưa ra chiến lược bán hàng phù hợp.

Nhiều người bán sẽ làm giá cả hàng hóa giảm đi, có lợi cho người mua. Nhiều người mua sẽ đẩy giá cả hàng hóa tăng lên, có lợi cho người bán.

Quy luật giá trị

Mỗi hàng hóa, dịch vụ đều có giá trị cụ thể và được định giá thông qua giá cả. Giá cả của hàng hóa, dịch vụ được thị trường định đoạt chứ không phải do người bán hay người mua.

Quy luật giá trị thặng dư

Bất cứ hoạt động kinh doanh nào người bán cũng đều nhận lại giá trị thặng dư so với giá trị của hàng hóa, dịch vụ để chi trả chi phí ban đầu, tái sản xuất và sinh lời.

Quy luật cung cầu

Cung cầu là hai hoạt động không độc lập mà có sự qua lại tác động lẫn nhau. Cung là hoạt động sản xuất, cung cấp hàng hóa. Cầu đến từ nhu cầu sử dụng hàng hóa dịch vụ và khả năng chi trả của khách hàng.

Điểm gặp nhau giữa cung và cầu là giá cả bình quân. Điểm này là điểm thỏa mãn chung giữa lợi nhuận của người bán và khả năng chi trả của khách hàng.

Quy luật lưu thông tiền tệ

Dòng tiền lưu thông trên thị trường đại diện cho sức mua, tổng số lượng hàng hóa, dịch vụ đại diện cho sức bán. Sức mua của thị trường hay dòng tiền lưu thông phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tỷ lệ lạm phát, lãi suất ngân hàng, biến động kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế, sức khỏe của đồng tiền,…

Thế nào là kinh tế thị trượng định hướng xã hội chủ nghĩa?

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tên mà Đảng cộng sản Việt Nam đặt cho mô hình kinh tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mô hình kinh tế này được mô tả là nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, có trách nhiệm định hướng nền kinh tế, nhằm mục tiêu lâu dài là xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được khởi nguồn từ chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là sản phẩm của đường lối đổi mới toàn diện đất nước được đề ra tại Đại hội Đảng VI năm 1986.

Thế nào là kinh tế thị trượng định hướng xã hội chủ nghĩa?
Thế nào là kinh tế thị trượng định hướng xã hội chủ nghĩa?

Trải qua nhiều kỳ đại hội với những chủ trương liên quan đến kinh tế hàng hóa thì đến Đại hội IX của Đảng (4/2001) thì khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính thức ra đời.

Đây là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ thực tiễn trong nước cũng như các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, là bước phát triển mới trong tư duy kinh tế cũng như tư duy lý luận của Đảng cộng sản Việt Nam.

Tổng kết

Bài viết trên đã phần nào giúp độc giả hiểu được kinh tế thị trường là gì? Mô hình kinh tế thị trường là sản phẩm của nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, cũng như những mô hình kinh tế khác, nó cũng có những hạn chế nhất định. Vì thế hầu hết các nước đều xây dựng nền kinh tế thị trường có sự chi phối nhất định của chính phủ để kiểm soát tác động của những hạn chế đó tới nền kinh tế.

ĐÁNH GIÁ CỦA BẠN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *