Báo cáo tài chính là gì? Những loại BCTC phổ biến hiện nay

Báo cáo tài chính là một công cụ quan trọng giúp các nhà đầu tư, ngân hàng, cơ quan quản lý và các bên liên quan khác đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính của một doanh nghiệp. Họ phải nộp bảo cáo tài chính thường niên cho các cơ quan có thảm quyền. Vậy báo cáo tài chính là gì? Hiện nay có những loại báo cáo tài chính nào trong doanh nghiệp? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

Tìm hiểu báo cáo tài chính là gì?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Luật Kế toán số 88/2015/QH13, báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán, được trình bày theo mẫu biểu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

Nói cách khác, báo cáo tài chính giúp cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp. Theo pháp luật, tất cả các doanh nghiệp trực thuộc ngành, thành phần kinh tế đều phải lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC) năm. Đối với các công ty (tổng công ty) có đơn vị trực thuộc, ngoài BCTC năm thì phải BCTC tổng hợp (hợp nhất) vào cuối kỳ kế toán năm, dựa trên BCTC của đơn vị trực thuộc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trực thuộc nhà nước và doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán bên cạnh làm BCTC năm thì phải lập BCTC giữa niên độ (báo cáo quý -trừ quý IV).

Báo cáo tài chính là gì?
Báo cáo tài chính là gì?

Các thông tin được thể hiện trong báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính gần như phản ánh các vấn đề quan trọng nhất của một doanh nghiệp, bao gồm:

  • Tình hình tài sản, nợ & vốn được phản ánh trong Bảng cân đối kế toán
  • Kết quả sản xuất kinh doanh (lãi/lỗ) được phản ánh trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
  • Sự vận động của dòng tiền để phục vụ cho các mục tiêu cụ thể được phản ánh trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
  • Các giải trình liên quan đến các chỉ tiêu đã ghi nhận trên Báo cáo tài chính được phản ánh trong Thuyết minh báo cáo tài chính
  • Thông thường sổ sách kế toán của doanh nghiệp sẽ được chốt số cuối cùng tại ngày kết thúc năm tài chính (đa số vào 31/12). Kế đó, kế toán viên sẽ hoàn thiện các bút toán kết chuyển cuối cùng để hoàn thiện các khoản mục trên báo cáo tài chính từ sổ phụ. 

Nội dung trong báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính cần cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan tới các vấn đề về 

  • Tài sản hiện thời tại công ty; 
  • Vốn chủ sở hữu và nợ phải trả;
  • Các loại chi phí để hoạt động doanh nghiệp, doanh thu và các loại thu nhập;
  • Lời/lỗ và cách thức phân chia kết quả kinh doanh;
  • Thuế cùng các khoản thuế phí phải nộp cho nhà nước;
  • Các tài sản khác có liên quan tới công ty;
  • Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ phải ghi rõ các luồng tiền vào và ra như thế nào.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải diễn giải thêm trong Thuyết minh Báo cáo tài chính về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các bản báo cáo tổng hợp, kể cả các chính sách kế toán để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh như:

  • Những chế độ kế toán đang áp dụng;
  • Hình thức kế toán như thế nào;
  • Nguyên tắc bút toán ghi nhận;
  • Phương pháp tính giá cả và hạch toán hàng tồn;
  • Tính khấu hao tài sản cố định bằng phương thức nào…

Tác dụng của báo cáo tài chính

Để làm rõ câu hỏi báo cáo tài chính dùng để làm gì, chúng ta cần nắm được mục đích, vai trò cũng như tầm quan trọng của nó đối với doanh nghiệp.
Theo đó, báo cáo tài chính có vai trò quan trọng, phản ánh tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tác dụng của báo cáo tài chính
Tác dụng của báo cáo tài chính

Mục đích của việc lập báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính phản ánh hoạt động kinh tế trong một năm của doanh nghiệp, bao hàm cả xu hướng thay đổi trong hoạt động kinh tế của doanh nghiệp. Vì vậy, nó giúp doanh nghiệp xác định rõ tình hình hoạt động kinh doanh của mình, hiệu quả công việc như thế nào, thể hiện qua trạng thái lãi lỗ.

Thể hiện một cách rõ ràng quy mô và cơ cấu tài sản mà tổ chức, doanh nghiệp đang nắm giữ;

Xác định điểm cân đối và điểm hoà vốn tài sản tối ưu;

Thể hiện chính xác khả năng tạo ra lợi nhuận cũng như khả năng có thể tham gia các dự án đầu tư mới của tổ chức, doanh nghiệp;

Báo cáo tài chính nội bộ còn được sử dụng trong hoạt động vay vốn ngân hàng. Trước khi xét duyệt khoản vay của tổ chức, ngân hàng sẽ xem qua bản BCTC nội bộ thực, vì nó phản ánh một cách chân thực nhất tình hình hoạt động của tổ chức.

Vai trò và ý nghĩa của báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ đối với các chủ doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, mà còn cả các nhà đầu tư, chủ nợ cũng như người lao động.

  • Thứ nhất, báo cáo tài chính phản ánh một cách toàn diện nhất về tình hình tài sản, các khoản vay/nợ, các nguồn hình thành tài sản, tình hình tài chính như thế nào, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ra sao.
  • Thứ hai, báo cáo tài chính là cơ sở giúp cổ đông/chủ nợ đánh giá, giám sát tình hình sử dụng vốn, có hiệu quả sinh  lời không, đủ khả năng thanh toán không, cũng như khả năng huy động vốn vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào;
  • Thứ ba, nó là căn cứ quan trọng để ban lãnh đạo phân tích, nghiên cứu, và phát hiện ra những khả năng tiềm tàng, nhằm đưa ra các quyết định quản lý, điều hành, xây dựng, đầu tư.
  • Thứ tư, đối với các cơ quan nhà nước, thông tin trên báo cáo tài chính để kịp thời thanh tra, giám sát xem doanh nghiệp có tuân thủ luật pháp hay không, có cạnh tranh lành mạnh không, từ đó đưa ra chính sách quản lý phù hợp.
  • Thứ năm, đối với người lao động: từ báo cáo tài chính, họ có thể biết được tình hình hoạt động của cơ quan làm việc như thế nào từ đó quyết định có nên tiếp tục ở lại và phát triển.

Có những loại báo cáo tài chính nào?

Báo cáo tài chính chia thành 4 loại phổ biến theo mục đích sử dụng như sau:

  • Báo cáo kết quả kinh doanh: là báo cáo các khoản doanh thu, chi phí và thu nhập khác của doanh nghiệp trong một giai đoạn cụ thể (quý/tháng/năm).
  • Nếu doanh thu và thu nhập lớn hơn chi phí bỏ ra thì nghĩa là doanh nghiệp có lãi và ngược lại.
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: là báo cáo của doanh nghiệp về việc tạo dựng và sử dụng dòng tiền trong công ty theo một kỳ nhất định. Trong đó bao gồm: dòng tiền từ hoạt động tài chính, từ hoạt động đầu tư và từ hoạt động kinh doanh.
  • Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu: là báo cáo về sự thay đổi của nguồn vốn chủ sở hữu trong một kỳ nhất định. Phải chỉ ra được nguồn vốn chủ sở hữu tăng hay giảm, tăng do lãi hay tăng do chủ đầu tư đổ thêm, giảm cho lỗ vốn hay do chủ đầu tư rút vốn.
  • Cuối cùng là bảng cân đối kế toán, gồm hai phần: nguồn vốn và tài sản. Trong đó sẽ nêu cụ thể thông tin về sản, số nợ phải trả và vốn chủ sở hữu vào thời điểm cuối tháng hay cuối quý, cuối năm.

Phần tài sản sẽ phản ánh toàn bộ giá trị tài sản doanh nghiệp hiện có dưới mọi hình thái và ở mọi giai đoạn của quá trình kinh doanh đến cuối kỳ hạch toán.

Phần nguồn vốn sẽ phản ánh nguồn hình thành các loại tài sản doanh nghiệp vào thời điểm cuối kỳ kế toán.

Quy định về thời hạn nộp báo cáo tài chính

Quy định về thời hạn nộp báo cáo tài chính
Quy định về thời hạn nộp báo cáo tài chính

Doanh nghiệp Nhà nước

  • Thời hạn nộp BCTC quý: Chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý. Các công ty mẹ, tổng công ty Nhà nước: chậm nhất là 45 ngày. Các đơn vị kế toán trực thuộc doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước sẽ nộp BCTC cho công ty mẹ theo thời hạn do công ty mẹ quy định.
  • Thời hạn nộp BCTC năm: Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Các công ty mẹ, tổng công ty Nhà nước: Chậm nhất là 90 ngày. Các đơn vị kế toán trực thuộc sẽ nộp BCTC cho công ty mẹ theo thời hạn quy định.

Doanh nghiệp khác

  • Doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp BCTC năm chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Các đơn vị kế toán khác chậm nhất là 90 ngày.
  • Đơn vị kế toán trực thuộc nộp BCTC năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn quy định.

Các yêu cầu cần thỏa mãn trong báo cáo tài chính

Theo Điều 101 Thông tư 200 và Điều 72 Thông tư 133 thì BCTC cần phải thoả mãn những yêu cầu sau:

  • Thông tin trình bày trên BCTC phải phản ánh trung thực, hợp lý với tình hình tài chính, tình hình hoạt động và kết quả kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp.
  • Các thông tin trên BCTC đủ để hỗ trợ người sử dụng nó dự đoán, phân tích và đưa ra các quyết định kinh tế liên quan.
  • Trình bày đầy đủ trên mọi khía cạnh trọng yếu của thông tin (những thông tin được coi là trọng yếu khi nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định của người sử dụng).
  • Đảm bảo các thông tin được trình bày nhất quán, dễ hiểu, dễ dàng so sánh giữa các kỳ kế toán và giữa các doanh nghiệp với nhau, cập nhật kịp thời và có thể kiểm chứng.
  • Các chỉ tiêu không có số liệu không phải trình bày trong BCTC, doanh nghiệp được phép đánh lại số thứ tự của các chỉ tiêu theo nguyên tắc liên tục trong mỗi phần báo cáo.
Các yêu cầu cần thỏa mãn trong báo cáo tài chính
Các yêu cầu cần thỏa mãn trong báo cáo tài chính

Quy trình tiêu chuẩn khi lập báo cáo tài chính

Lập BCTC là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và sự tỉ mỉ, nhưng không phải lúc nào người thực hiện cũng đạt được hiệu quả và sự chỉn chu ngay lập tức. Theo quy định của Bộ Tài Chính, các bước để thiết lập BCTC chuẩn gồm:

  • Bước 1, sắp xếp chứng từ kế toán theo thứ tự mốc thời gian rõ ràng để việc kiểm tra nhẹ nhàng hơn;
  • Bước 2, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế, gồm: phiếu nhập/xuất kho, phiếu thu/chi… hoàn thiện toàn bộ các chứng từ hợp lệ theo quy định của nghiệp vụ kế toán;
  • Bước 3, phân bổ các nghiệp vụ phát sinh theo tháng hoặc quý, chẳng hạn phân bổ chi phí trả trước, phân bổ khấu hao…;
  • Bước 4, kiểm tra tổng hợp theo từng nhóm tài khoản, gồm: hàng tồn kho, công nợ phải trả/thu, các khoản đầu tư, các khoản phí trả trước, tài sản cố định, doanh thu, giá vốn, chi phí quản lý.
  • Bước 5, thực hiện bút toán tổng hợp và kết chuyển doanh thu, chi phí và lãi lỗ (phải đảm bảo các tài khoản từ đầu 5 đến đầu 9 không có số dư cuối kỳ).
  • Bước 6, lập BCTC theo chế độ kế toán hiện hành, quyết toán thuế TNDN, TNCN, báo cáo trên các phần mềm hỗ trợ kê khai của cơ quan thuế, xuất file lưu trữ và file nộp cho cơ quan thuế.

Tổng kết

Trên đây là một số thông tin cơ bản của báo cáo tài chính doanh nghiệp. Hy vọng bài viết đã cung cấp được cho bạn đọc một số kiến thức để giải đáp câu hỏi báo cáo tài chính là gì và những vấn đề liên quan tới báo cáo tài chính.

ĐÁNH GIÁ CỦA BẠN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *