Ngân Hàng Liên Doanh Là Gì? Thông Tin Cần Biết

Tại Việt Nam hiện nay, có rát nhiều thương hiệu ngân hàng khác nhau với đa dạng các loại hình hoạt động và ngân hàng liên doanh là một trong số đó. Các ngân hàng này đang được rất nhiều khách hàng quan tâm và tìm hiểu. Vậy ngân hàng liên doanh là gì? Phương thức hoạt động ra sao? Ở nước ta đang có những ngân hàng liên doanh nào đang hoạt động? Toàn bộ thắc mắc sẽ được MDB giải đáp chi tiết trong bài viết sau, hãy cùng tham khảo nhé!

Tìm hiểu ngân hàng liên doanh là gì?

Ngân hàng liên doanh là một loại ngân hàng được thành lập bởi hai hoặc nhiều tổ chức tài chính khác nhau, thường là từ các quốc gia khác nhau, để cùng hoạt động và cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng. Ngân hàng liên doanh thường có quy mô lớn và khả năng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính rộng rãi hơn so với các ngân hàng truyền thống.

Việc thành lập ngân hàng liên doanh giúp các tổ chức tài chính có thể tận dụng lợi thế và tài nguyên của nhau để mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh và tiếp cận các thị trường mới. Ngoài ra, các ngân hàng liên doanh cũng có thể cung cấp các dịch vụ tài chính phức tạp và đa dạng hơn cho khách hàng, như ngoại tệ, đầu tư tài chính, quản lý rủi ro và tư vấn tài chính.

Ngân hàng liên doanh là gì?
Ngân hàng liên doanh là gì?

Các ngân hàng liên doanh đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay

Hiện nay, có tổng cộng 2 ngân hàng liên doanh đang hoạt động trên thị trường tài chính Việt Nam là Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB).và Indovina Bank. Bạn có thể tham khảo thông tin về 2 ngân hàng này ngay dưới đây

Indovina Bank

Indovina Bank Ltd. (IVB) là ngân hàng liên doanh đầu tiên được thành lập tại Việt Nam vào ngày 21 tháng 11 năm 1990 bởi sự góp vốn của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Cathay United (Cathay United Bank – CUB) của Đài Loan.

Tổng vốn điều lệ của IVB tính đến cuối năm 2018 là 193 triệu USD, trong đó hai bên liên doanh đóng góp mỗi bên 96,5 triệu USD. IVB có trụ sở chính tại Tp.HCM và hoạt động với mạng lưới gồm 13 chi nhánh, 1 trung tâm kinh doanh và 19 phòng giao dịch, tập trung tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội, HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương và Đồng Nai.

IVB đã và đang tích cực tham gia vào quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam bằng cách cung cấp các dịch vụ ngân hàng đa dạng cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm: tài khoản, tiền gửi, vay vốn, thẻ, chuyển tiền, ngân hàng số, xuất nhập khẩu và thanh toán quốc tế.

Thông tin của ngân hàng Indovina Bank
Tên đầy đủ tiếng Việt Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn Indovina
Tên giao dịch quốc tế Indovina Bank. Ltd
Tên viết tắt IVB
Mã swift code IABBVNVX
Địa chỉ trụ sở chính 97A Nguyễn Văn Trỗi, Phường 12, Quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh
Ngày thành lập 01/01/1992
Vốn điều lệ 193 triệu USD
Hotline 1900 588 879
Website https://www.indovinabank.com.vn

Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB)

Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) chính thức hoạt động tại thị trường tài chính Việt Nam vào ngày 19/11/2006. Đây là một sự hợp tác kinh tế đáng chú ý giữa Chính phủ và Ngân hàng Trung ương của Việt Nam và Nga, mở ra cơ hội hợp tác giữa hai nền kinh tế.

VRB được thành lập bởi hai ngân hàng hàng đầu của hai nước là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng VTB t(tiền thân là Ngân hàng Ngoại thương Nga Vneshtorgbank) với mức góp vốn điều lệ được chia đều mỗi bên 50%. Hoạt động của ngân hàng VRB tập trung vào 2 lĩnh vĩnh chính là đầu tư và xúc tiến thương mại.

Ngân hàng liên doanh Việt - Nga (VRB)
Ngân hàng liên doanh Việt – Nga (VRB)

Các hoạt động của ngân hàng VRB trong lĩnh vực đầu tư:

  • Tư vấn và cung cấp thông tin về cơ hội đầu tư.
  • Thu xếp vốn đầu tư và trực tiếp cho vay hoặc đồng tài trợ cho các dự án.
  • Cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng, tư vấn về thực hiện dự án.
  • Đầu tư trực tiếp qua hình thức góp vốn mua cổ phần các doanh nghiệp hai nước hoặc đầu tư gián tiếp thông qua các hoạt động trên thị trường liên ngân hàng hoặc thị trường tài chính.

Còn đối với lĩnh vực xúc tiến thương mại, VRB sẽ thực hiện các hoạt động sau:

  • Tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại.
  • Hỗ trợ chia sẻ thông tin về thị trường, khách hàng.
  • Phối hợp thẩm định về đối tác và dự án đầu tư tại Việt Nam hoặc Liên bang Nga nhằm phát triển hoạt động giao thương giữa hai nước

VRB đang cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp, bao gồm:

  • Sản phẩm tiền gửi – tiết kiệm với các lựa chọn linh hoạt về thời hạn gửi: tiền gửi nhận lãi cuối kỳ / định kỳ / đầu kỳ, tiền gửi tích lũy…
  • Dịch vụ vay vốn: thấu chi tín chấp, vay tiền có tài sản đảm bảo, vay mua ô tô, chương trình tín dụng SME, chương trình tín dụng Xuất Nhập khẩu…
  • Dịch vụ thanh toán: thanh toán trong nước và quốc tế.
  • Dịch vụ ngân hàng điện tử: Internet Banking (VRB-i-IB), Mobile Banking.
  • Bảo hiểm BIC: BIC bảo an doanh ngiệp, BIC Homecare, BIC Bình An.
  • Sản phâm thẻ: thẻ tín dụng, thẻ thanh toán quốc tế và nội địa…
  • Dịch vụ ngoại hối.
  • Các dịch vụ bảo lãnh.
Thông tin của ngân hàng VRB
Tên đầy đủ tiếng Việt Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga
Tên giao dịch tiếng Anh Vietnam – Russia Joint Venture Bank
Tên viết tắt VRB
Địa chỉ trụ sở chính Tòa nhà số 75 Trần Hưng Đạo, Phường Trần Hưng đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Vốn điều lệ 168,5 triệu USD tính đến năm 2011 (tương đương 3 nghìn tỷ đồng Việt Nam)
Ngày  thành lập 19/11/2006
Đại diện pháp luật Đoàn Minh Tiến
Mã swift code VRBAVNVX
Điện thoại +842439426668
Fax 84-4-3 942 6669
E-mail contact_vrb@vrbank.com.vn
Website www.vrbank.com.vn

Phương thức hoạt động của ngân hàng liên doanh tại Việt Nam

Ngân hàng liên doanh tại Việt Nam hoạt động dựa trên phương thức mà các bên đầu tư đã thống nhất và ghi trong hợp đồng thành lập liên doanh. Những ngân hàng liên doanh có thể thực hiện các hoạt động tương tự như các ngân hàng khác tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ngân hàng liên doanh cần phải thực hiện các quy định đặc biệt để đảm bảo các hoạt động của mình phù hợp với quy định của cơ quan quản lý nhà nước và đảm bảo quyền lợi của các bên đầu tư. Các hoạt động của ngân hàng thương mại và ngân hàng liên doạnh được quy định tại điều 98, Luật tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 như sau:

1. Nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các loại tiền gửi khác.

2. Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn trong nước và nước ngoài.

3. Cấp tín dụng dưới các hình thức sau đây:

a) Cho vay;

b) Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác;

c) Bảo lãnh ngân hàng;

d) Phát hành thẻ tín dụng;

đ) Bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế đối với các ngân hàng được phép thực hiện thanh toán quốc tế;

e) Các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

4. Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.

5. Cung ứng các phương tiện thanh toán.

6. Cung ứng các dịch vụ thanh toán sau đây:

a) Thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước bao gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thư tín dụng, thẻ ngân hàng, dịch vụ thu hộ và chi hộ;

b) Thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế và các dịch vụ thanh toán khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Ngoài ra, ngân hàng liên doanh cũng cần phải thực hiện các hoạt động theo đúng quy định của hợp đồng thành lập và có trách nhiệm báo cáo với các bên đầu tư về tình hình hoạt động của mình.

Điều kiện thành lập của ngân hàng liên doanh.

Các điều kiện đối với thành viên sáng lập của ngân hàng liên doanh và ngân hàng thương mại Việt Nam như sau:

Điều kiện thành lập của ngân hàng liên doanh
Điều kiện thành lập của ngân hàng liên doanh

Đối với thành viên sáng lập của ngân hàng liên doanh

  • Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác.
  • Được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
  • Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn.
  • Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
  • Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng trong 05 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
  • Kinh doanh có lãi trong 05 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
  • Trường hợp là doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề thời điểm gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
  • Trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần theo quy định của pháp luật.
  • Trường hợp là tổ chức được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định liên quan của pháp luật.

Đối với thành viên sáng lập của ngân hàng thương mại Việt Nam

  • Tổ chức phải là ngân hàng thương mại Việt Nam.
  • Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác.
  • Có vốn chủ sở hữu tối thiểu là 10 tỷ đôla Mỹ vào cuối năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
  • Kinh doanh có lãi trong 05 năm liên tiếp liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
  • Trường hợp là doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề thời điểm gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
  • Đảm bảo tỷ lệ an toànvốn (CAR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  • Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
  • Không vi phạm các quy định của pháp luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động của ngân hàng thương mại.
  • Đảm bảo đủ các điều kiện về hạ tầng, nhân sự, hệ thống quản trị và kiểm soát nội bộ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  • Trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần theo quy định của pháp luật.

Để được cấp Giấy phép thành lập ngân hàng thương mại, các thành viên sáng lập cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên và thực hiện đúng các thủ tục, quy trình theo quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tổng kết

Bài viết trên đã tổng hợp lại toàn bộ thông tin giúp bạn có thể biết được ngân hàng liên doanh là gì cũng như cách thức hoạt động và các sẩn phẩm, dịch vụ mà mô hình ngân hàng này cung cấp. Hy vọng những chia sẻ này của MDB sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích để hiểu rõ hơn về lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại VIệt Nam.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *